Freyr

Các tên khác: Freyr – “Chúa tể”; Freyr, Frey (Bắc Âu); Frea (tiếng Anh cổ); Yngvi, Yngvi–Freyr, Ingi–Freyr. Thần ánh sáng, mưa, sự màu mỡ và phì nhiêu – một trong những vị thần quan trọng nhất của thần thoại Bắc Âu. Freyr là con trai của Njörðr với người em gái vô danh của mình (có thể là Ingun hoặc Nertheus), và là anh trai của người em gái sinh đôi Freyja. Giống cha và em gái, Freyr đầu tiên cũng là một thần Vanir, sau đó trở thành một vị thần quan trọng trong nhóm thần Æsir. Freyr là một trong những con tin sau cuộc chiến tranh của các thần Vanir chống lại các thần Æsir. Đôi khi nữ thần khổng lồ Skaði được cho là mẹ của Freyr, nhưng thường thì là mẹ kế.

Freyr cũng được gọi là Yngvi hoặc Yngvi–Freyr. Một cái tên khác là Ingi–Freyr. Dưới cái tên Yng, Freyr được gọi là tổ tiên của gia đình hoàng gia Thuỵ Điển.

Freyr đầu tiên là chồng và tình nhân của em gái mình, trước khi họ chuyển đến sống với các thần Æsir. Cho dù việc kết hôn với họ hàng gần là bình thường với các thần Vanir, các thần Æsir không chấp nhận điều đó.

Giống em gái mình, Freyr cũng là một thần của sự phì nhiêu, và con vật thiêng của thần cũng là con lợn. Brokkr và Eitri đã tạo ra một con lợn rừng có lông vàng được gọi là Gullinbursti, để kéo cỗ xe của thần. Sturluson cũng nhắc đến con lợn rừng với cái tên Slidrugtanni, thay vì Gullinbursti. Có giả thuyết cho rằng cỗ xe của thần do cả Gullinbursti và Slidrugtanni kéo. Thần còn có Blóðughófi – con ngựa đã sinh ra rất nhiều hậu duệ hùng mạnh: Atridi, Gísl, Falhófnir, Glær và Skeiðbrimir.

Freyr sở hữu một con thuyền có thể xếp lại được do những người lùn con trai của Ívaldi làm, có tên là Skíðblaðnir (Mái chèo gỗ). Con thuyền này có thể dùng để đi trên mặt đất, trên mặt nước hoặc trong không trung. Nó đủ lớn để chứa tất cả các vị thần, nhưng đủ nhỏ để xếp lại bỏ vừa vào trong túi khi không dùng đến.

Freyr là thần ánh sáng và mặt trời, cụ thể hơn là thần ánh nắng. Freyr cũng xuất hiện trong vai trò thần mưa và nông nghiệp. Thần sống ở Álfheimr, vừa là người đứng đầu vừa là thần bảo trợ cho loài yêu tinh và tiên. Freyr có ba người hầu cận: Byggvir (“Lúa mạch”), người hầu gái Beyla, và Skírnir – người cầm khiên của thần. Byggvir và Beyla có xuất hiện trong Lokasenna (thuộc tập Poetic Edda), còn Skírnir xuất hiện trong bài thơ Skírnismál.

Trong số các thần Vanir, Freyr là vị thần mạnh nhất và dũng cảm nhất. Đôi lần thần được nhắc đến như người lãnh đạo chiến đấu của các vị thần. Freyr sở hữu một thanh kiếm thần – biểu tượng của ánh nắng và có thể tự chiến đấu khi được rút ra khỏi vỏ, nhưng thần đã chịu mất nó.

Freyr kết hôn với người khổng lồ Gerðr – con gái của hai người khổng lồ Gymir và Aurboða. Trong một lần trèo lên ngai của Óðinn, Freyr đã nhìn thấy Gerðr và ngay lập tức yêu nàng. Thần nhờ người hầu cận Skírnir đến thuyết phục Gerðr lấy mình. Để đòi trả công cho việc này, Skírnir đòi lấy thanh kiếm thần, Freyr đồng ý. Đầu tiên Gerðr nhất mực từ chối lấy Freyr, cho dù Skírnir có dâng tặng nàng món quà gì đi nữa. Nàng chỉ đồng ý trao thân mình trong 9 đêm cho vị thần Vanir ở khu rừng Barri khi Skírnir hăm doạ sẽ biến nàng từ cô gái xinh đẹp thành một bà già xấu xí. Sau đó, Freyr và Gerðr kết hôn, và có một con trai tên là Fjölnir.

Để giết tên khổng lồ Beli, Freyr đã dùng đến cặp gạc nai mà thần sở hữu. Tại Ragnarök, Freyr chiến đấu với tên khổng lồ lửa Surtr mà không có thanh kiếm thần, chỉ dùng cặp gạc nai ấy làm vũ khí. Freyr là vị thần đầu tiên bị giết, vì người cầm khiên Skírnir đã đòi thanh kiếm để trả công cho sự phục vụ của mình và việc giúp Freyr lấy được Gerðr. Một số phiên bản khác cho rằng Gerðr đã đòi thanh kiếm thần của Freyr làm quà cưới để tặng cho cha mình, vì thế mới chịu lấy Freyr.

Giống như nhiều vị thần Vanir khác, Freyr được ưa chuộng ở Thuỵ Điển, cho dù thần cũng được biết đến ở Na Uy và Iceland. Ở phía Nam Thuỵ Điển Freyr được gọi là Fricco. Người ta cũng gọi đến thần để cầu xin một cuộc hôn nhân đông con cái. Một bức tượng đã được tìm thấy trong đền thờ ở Uppsala (Thuỵ Điển), miêu tả thần như một tượng dương vật (biểu tượng cho sức sinh sản của thiên nhiên) khổng lồ. Rõ ràng rằng bức tượng này, cũng với nhiều tượng nhỏ và bùa hộ mạng khác được tìm thấy ở Thuỵ Điển, cho thấy rằng Freyr là một vị thần của sự phì nhiêu.