Óðinn

Óðinn – Cha cả (tranh của H.L.M., 1901)

Vị thần tối cao trong thần thoại Bắc Âu cũng như thần thoại của các tộc người German. Óðinn là vị thần đứng đầu của tộc thần Æsir, là vị thần của trí tuệ, kiến thức, chữ rune, chiến tranh, pháp thuật, thi ca, tiên tri, chiến thắng, săn bắn và cái chết. Cùng với Vili và Vé, Óðinn đã xây dựng thế giới và tạo ra những con người đầu tiên. Óðinn là con của BorrBestla, cháu nội của Búri, anh trai của Vili và Vé, chồng của Frigg và là cha của rất nhiều thần khác. 

Các tên gọi khác: Odin, Wōden, Wōdan/Wōtan, Wuodan/Wuotan, Wōđanaz, Wōđinaz, Alföðr (Cha cả), Bölverkr, Hárbarðr (Râu xám), Hárr/Jafnhárr (Tối cao), Yggr (Kẻ khủng khiếp), Hangaguð/Hangatýr (Vị thần treo), Fjölnir (Kẻ thông thái), Gautr, Grímnir (Kẻ giấu mặt)… và hàng trăm tên khác. Rất nhiều địa danh khu vực Bắc Âu được đặt theo tên Óðinn, và trong các ngôn ngữ gốc German, ngày thứ Tư đều có nghĩa là “ngày của Wōden”.

Cha cả

Cũng giống như vai trò của Zeus trong thần thoại Hy Lạp, Óðinn, thông qua rất nhiều mối quan hệ với các nữ thần và nữ khổng lồ, là cha của nhiều vị thần quan trọng trong thần thoại Bắc Âu. Có thể kể đến như:

Trong Skáldskaparmál thuộc Edda văn xuôi có liệt kê danh sách các con trai của Óðinn, gồm có: Baldr, Meili, Víðarr, Nepr, Váli, Áli, Þórr, Hildólfr, Hermóðr, Sigi, Skjöldr, Yngvifreyr, Ítreksjóð, Heimdallr, Sæmingr, HöðrBragi. Một số tài liệu cũng cho rằng Týr là con trai của Óðinn.

Vì là biểu tượng của sức mạnh và quyền lực, Óðinn được nhiều vương tộc coi là tổ tiên của mình. Theo Skjöldunga sagaYnglinga saga, Óðinn dẫn dân mình đến xứ Bắc Âu và ban đất cho hai con trai mình: đất Thuỵ Điển cho Yngvi, còn đất Đan Mạch cho Skjöldr. Một người con trai khác là Sæmingr được giao cho “vương quốc mà ngày nay là gọi là Na Uy”, theo Snorri. Snorri còn nói thêm rằng mẹ của Sæmingr chính là nữ thần-khổng lồ Skaði. Phần mở đầu của Edda văn xuôi cũng có nhắc đến Sigi là người cai trị “vùng đất của người Frank” và là ông tổ của thị tộc Vǫlsungr (sau này sinh ra hai người anh hùng Sigmundr và Sigurðr). Vegdagr, một người con trai khác của Óðinn, cai quản xứ Đông Sachsen, còn Beldeg trị vì xứ Westfalen.

Một số tài liệu khác cũng nhắc đến dòng tộc các con của Óðinn. Theo Hervarar saga, Svafrlami là con trai của Sigrlami, tức cháu nội của Óðinn, và là vua xứ Garðaríki (tên gọi đất Rus thuộc Đông Âu). Gauti lập ra vương quốc Götaland của người Gautar, theo Bósa saga ok Herrauðs. Ngoài ra có Wihtlæg – tổ tiên của vương thất xứ Merce, hay Seaxnēat của xứ Essex (đều thuộc đất Anh ngày nay).

Đặc điểm

Nhiều nguồn tài liệu miêu tả Óðinn là một người đứng tuổi có bộ râu trắng dài. Óðinn có hai con quạ là Huginn (Ý nghĩ) và Muninn (Kí ức) bay khắp Miðgarðr để mang tin tức về cho thần mỗi tối. Bên cạnh thần có hai con sói là Geri và Freki. Toàn bộ thức ăn được dâng lên cho Óðinn, thần sẽ cho hai con sói ăn, vì bản thân thần chỉ sống bằng rượu. thú cưỡi của thân là con ngựa tám chân Sleipnir biết bay. Trên tay thần đeo chiếc nhẫn mầu nhiệm Draupnir: cứ mỗi chín đêm, chiếc nhẫn lại tự “sinh” ra thêm tám chiếc nữa cùng kích cỡ và khối lượng như nguyên bản.

Vũ khí của Óðinn là cây giáo Gungnir. Khi ra trận, thần đội mũ trụ hình chim ưng và áo giáp, còn khi đi chu du trên trần thế, thần khoác áo choàng màu xanh da trời, đội mũ rộng vành kéo sụp xuống mặt và chống gậy. Khi Ragnarök đến, Óðinn sẽ đội mũ trụ vàng, mặc áo giáp lưới mắt xích và cầm giáo Gungnir ra trận đối đầu với con sói Fenrir. Óðinn biết trước số phận của mình là sẽ chết trong trận chiến ấy, nhưng không thể làm cách nào tránh được, nên hình tượng của thần luôn có vẻ suy tư. Vào mùa đông, người Bắc Âu tin rằng cuộc săn của Óðinn báo hiệu sắp tới sẽ có chiến tranh hoặc bất ổn xảy ra.

Cùng với vợ là Frigg, Óðinn cai quản Ásgarðr – vùng đất của tộc thần Æsir. Óðinn sống ở lâu đài Valaskjálf mái bạc, nơi đặt chiếc ngai Hliðskjálf. Từ trên ngai này, thần có thể nhìn khắp chín thế giới. Óðinn còn một cung điện lớn khác tại Ásgarðr là Valhöll (Valhalla) – nơi thần thu nhận và thết đãi một nửa số chiến binh quả cảm ngã xuống trên chiến trường (gọi là einherjar) hằng ngày cùng các valkyrja.

Chữ rune, tri thức và thi ca

Óðinn là vị thần của tri thức, chữ viết và thi ca, và tất cả những hiểu biết này không phải đến tự nhiên mà đều đòi hỏi người kiếm tìm phải hi sinh bản thân vì nó. Để làm chủ được chữ rune thần thánh, nhờ đó mà hiểu được sự vận hành của vũ trụ, Óðinn đã treo mình trên cây Yggdrasill suốt chín ngày chín đêm, không ăn không uống trong lúc cây giáo Gungnir vẫn chọc vào một bên sườn (vì thế mà mới có cái tên “thần của giá treo cổ”). Sau chín ngày đêm, Óðinn sống lại. Những tri thức bí mật mà chữ rune mang đến được Óðinn truyền lại cho thần và người.

Óðinn còn được biết đến là vị thần chột. Để nhận được một ngụm nước mang lại sự thông thái từ giếng thiêng của Mímir dưới rễ cây Yggdrasill, cái giá mà Óðinn phải trả chính là một con mắt của mình. Con mắt đã mất của Óðinn được đặt vào trong giếng và toả sáng như Mặt trăng, như một lời nhắc rằng tri thức có cái giá của nó.

Ngoài hai câu chuyện kể trên, Óðinn còn học tập tri thức từ người khổng lồ thông thái Vafþrúðnir (trong Vafþrúðnismál), từ một vǫlva (trong VǫluspáBaldrs draumar). “Chín galdr” (thần chú) Óðinn học từ “con trai của Bölþorn – cha của Bestla”, tức là từ người cậu bên họ ngoại của mình (theo bài thơ Hávamál trong Edda thơ). Còn khả năng mở miệng thành thơ của Óðinn có được nhờ việc uống món rượu mật ong thi ca từ chỗ người khổng lồ Suttungr.

Phép thuật, chiến trận và cái chết

Nhà sử học Tacitus xếp Óðinn tương đương với Mercurius – vị thần dẫn đường cho người đã khuất trong thần thoại La Mã. Óðinn nhận một nửa số einherjar mỗi ngày trên chiến trường về dưới trướng của mình, thết đãi họ tại Valhöll, và họ sẽ cùng thần ra trận khi Ragnarök đến. Sự ưu ái của Óðinn trên chiến trường cũng có thể mang lại thắng lợi cho phe này và thất bại cho phe kia. Óðinn hiếm khi tự mình tham chiến, nhưng cây giáo Gungnir trên tay thần có khả năng bách phát bách trúng.

Óðinn biết phép thuật. Bên cạnh galdr, bản thân chữ rune cũng được coi là mang trong mình sức mạnh của vũ trụ, và Óðinn chính là vị thần đầu tiên làm chủ được những kí tự này. Ngoài Freyja ra thì chỉ có Óðinn là sử dụng được seiðr (như lời Loki trong Lokasenna), giúp thần nhìn được tương lai và tương tác với thế giới linh hồn, như đã từng làm với linh hồn một vǫlva trong Baldrs draumar. Óðinn cũng có khả năng biến hình. Trong câu chuyện về món rượu mật ong thi ca, thần đã biến thành rắn để đột nhập vào trong hang của Suttungr tìm rượu, rồi biến thành chim ưng để trốn khỏi sự truy đuổi của tên khổng lồ.

Thời Trung đại, người ta bắt đầu tin rằng Óðinn thi thoảng sẽ tổ chức những cuộc săn cuồng dã vào mùa đông cùng đoàn tuỳ tùng gồm những kẻ đã chết của mình. Cuộc săn này được gọi là Odens jakt, và sự xuất hiện của nó báo trước sắp có chiến tranh hoặc bất ổn. Người nào vô tình được chứng kiến cuộc săn cũng sẽ phải nhận lấy cái chết. Cuộc săn lên đến đỉnh điểm vào ngày Đông chí (21/12), tức ngày ngắn nhất trong năm ở bắc bán cầu. Truyền thuyết về cuộc săn không chỉ phổ biến ở Bắc Âu mà còn ở nhiều nước châu Âu khác, mỗi nước lại có thuyết riêng về người dẫn đầu cuộc săn.