Helheimr

Helheimr – khuyết danh

Helheimr (2007) – tranh của Miroslav Zapletal

Helheimr (hay Helgarðr; vùng đất chết chóc, hay thế giới của nữ thần Hel) là một trong các thế giới của thần thoại Bắc Âu. Helheimr, còn được gọi tắt là Hel, là tên được dùng để gọi địa phủ, nơi nữ thần Hel và người chết cư ngụ. Helheimr không phải là nơi để trừng phạt, mà chỉ đơn giản là vùng đất lạnh giá của người chết. Helheimr nằm phía trên Niflheimr, thuộc tầng thấp nhất của chín thế giới được cây tần bì Yggdrasil kết nối.

Helheimr là nơi tiếp nhận những người chết trên mặt đất vì bệnh tật hoặc tuổi già, còn người chết đuối thuộc về Rán, chết trận thuộc về Óðinn. Một khi đã tới Helheimr thì người chết sẽ không thể quay về được nữa, kể cả các vị thần như BaldrHöðr. “Hel” có nghĩa là ẩn giấu, nhằm nói đến tính chất vô hình của nơi này, và sự vắng mặt dễ nhận thấy trong tang lễ của người quá cố.

Tại Helheimr, Hel sống trong một lâu đài có tường cao cổng lớn, gọi là Éljúðnir, với hai nam nữ hầu cận là Ganglati và Ganglöt. Để đến được cổng vào Helheimr trước tiên phải vượt qua con sông Gjöll – con sông bao quanh Helheimr – trên cây cầu Gjallarbrú mái vàng do nữ khổng lồ Móðguðr canh giữ. Móðguðr cho phép những người mới chết đi trên cây cầu này qua sông Gjöll nếu họ cho biết tên và ý định của mình, và ngược lại cũng ngăn cản người đã chết vượt qua sông Gjöll quay trở lại vùng đất của người sống. Qua Gjallarbrú phải đi tiếp về phía Bắc mới tới cổng vào Helheimr, nơi có con chó săn màu máu Garmr canh giữ. Tại Helheimr còn có một con gà trống màu đỏ, sẽ cất lên tiếng gáy gọi người chết dậy khi Ragnarök tới.

Một số học giả cho rằng Helheimr không phải là một thế giới riêng biệt, mà nằm trong Niflheimr, hoặc là một tên cổ hơn của Niflheimr. Trong Baldrs draumar, Niflheimr được nhắc đến là nằm ngoài Helheimr. Trong Gylfaginning, Helheimr được nhắc đến là thế giới cuối cùng trong chín thế giới, nằm tại Niflheimr. Trong Vafþrúðnismál, Baldrs draumar, và Gylfaginning của Snorri Sturluson cũng nhắc đến Niflhel (“Hel mù mịt”) – một địa danh nhiều phần trùng lặp với HelheimrNiflheimr. Các học giả cũng cho rằng từ “Hel” được dùng cho nơi này trước tiên, rồi sau đó mới được dùng cho nữ thần Hel – con gái của Loki, người trị vì ở nơi này.