Các tên khác: Fenrisúlfr (sói Fenrir), Fenris, Hróðvitnir (sói danh tiếng), Vánagandr (quái vật sông Ván).
Fenrir (“kẻ sống tại đầm lầy” trong tiếng Bắc Âu cổ) là quái vật sói khổng lồ nổi tiếng nhất trong thần thoại Bắc Âu. Fenrir được sinh ra từ dòng máu của Loki và nữ khổng lồ Angrboða, là em của nữ thần địa ngục Hel và rắn Jörmungandr.
Sau khi được sinh ra, Fenrir được các thần Æsir nuôi dưỡng để đề phòng nó gây nhiễu loạn trong chín thế giới, nhưng khi Fenrir lớn nhanh với một tốc độ đáng kinh ngạc, các thần trở nên lo sợ và quyết định xích Fenrir lại. Theo Gylfaginning, các vị thần giả như đang chơi một trò chơi, xem Fenrir có đủ mạnh mẽ để dứt đứt được dây xích nếu bị trói lại không. Fenrir đồng ý thử thách này. Lần thứ nhất, các vị thần chuẩn bị một sợi xích rất chắc tên là Leyding, nhưng Fenrir dễ dàng bẻ gẫy. Lần thứ hai, các vị thần mang đến một sợi xích mạnh gấp đôi, tên là Dromi, nhưng Fenrir cũng giẫm nát nó thành từng mảnh vụn. Đến lần thứ ba, các vị thần nhờ Skírnir – sứ giả của Freyr tới gặp những người lùn tại Niðavellir nhờ làm ra sợi xích ma thuật Gleipnir không thể đứt. Gleipnir được tạo ra từ 6 nguyên liệu dường như không tưởng: tiếng bước chân của mèo, râu phụ nữ, rễ của núi, gân của gấu, hơi thở của cá, và nước dãi của chim (theo Prose Edda). Vì vậy nên tuy Gleipnir chỉ mỏng, nhẹ và mềm như một dải lụa, nó chắc chắn hơn mọi loại xích sắt.
Các vị thần sau đó đưa Fenrir lên đảo Lyingvi trên hồ Amsvartnir. Khi Fenrir nhìn thấy Gleipnir, nó trở nên nghi ngại, và chỉ đồng ý thử thách bị xiềng nếu có một vị thần đủ dũng cảm đặt bàn tay mình vào mõm nó để bày tỏ thiện chí. Không một thần nào đủ dũng khí để làm việc này ngoại trừ thần chiến trận Týr, cũng là vị thần duy nhất dám cho Fenrir ăn khi nó còn bị nhốt trong lồng. Khi Fenrir không thể thoát khỏi xiềng xích của Gleipnir, nó hiểu rằng mình đã bị lừa. Fenrir trở nên điên cuồng và cắn đứt bàn tay phải của Týr để trả thù. Kể từ đó, Týr được gọi là vị thần Áss một tay. Sợi xích Gleipnir nối với dây thừng Gelgja rồi được buộc vào mỏm đá Gjöll (“tiếng thét”) nằm dưới mặt đất, sau đó tảng đá lớn Thviti được chôn xuống đất sâu hơn nữa để làm neo. Một thanh gươm được đặt vào trong miệng Fenrir để bắt nó luôn phải há miệng, không thể cắn được ai. Trong khi Fenrir liên tục tru lên một cách dữ dội, dòng sông Ván (“trông đợi” trong tiếng Bắc Âu cổ) sủi bọt chảy ra từ cái miệng đầy dãi của nó, nên Fenrir còn được gọi là Vánagandr (quái vật sông Ván). Tuy các vị thần biết rằng Fenrir sau này sẽ giết chết Óðinn, họ không muốn máu của con sói quái vật làm vấy bẩn những nơi linh thiêng của họ nên đã không giết Fenrir.
Khi Ragnarök tới, theo lời dự đoán của vǫlva, Fenrir sẽ thoát khỏi sự xiềng xích của Gleipnir và khuấy đảo thế giới. Hàm dưới của nó nằm trên mặt đất, hàm trên ở trên trời, và nó sẽ nuốt trọn mọi thứ trên đường đi của mình. Lửa sẽ phun ra từ mắt và lỗ mũi của nó. Fenrir sẽ sát cánh bên cạnh loài khổng lồ và những quái vật khác trong cuộc chiến chống lại các vị thần trên cánh đồng Vígríðr. Đối thủ của Fenrir tại Ragnarök là thần Óðinn, và Fenrir sẽ ăn thịt Óðinn. Con trai của Óðinn là Víðarr sẽ xẻ thịt Fenrir để trả thù cho cái chết của cha mình.
Theo Völuspá thuộc tập Poetic Edda, Fenrir là cha của Mánagarmr – con sói khổng lồ sẽ nuốt lấy mặt trăng khi Ragnarök tới, và cũng có thể là cha của Sköll – con sói ăn mặt trời. Mẹ của Sköll và Hati là một phù thủy/khổng lồ sống trong rừng Járnviðr tại Jötunheimr. Một số thuyết lại cho rằng Fenrir chính là Garmr – con chó săn khổng lồ canh giữ lối vào Helheimr, vì khi Ragnarök, Garmr cũng sẽ phá vỡ xiềng xích trói buộc mình và tham gia vào trận chiến.