Frigg

Frigg dệt mây (1909) – tranh của John Charles Dollman

Các tên khác: Frigg, Frigga, Friia – “Phu nhân” (tiếng Na Uy); Frija, Frea (tiếng German); Hlin. Cái tên Frigg có liên hệ với từ fri trong tiếng Saxon cổ và từ freo trong tiếng Anglo-Saxon, có nghĩa là “phụ nữ”.

Nữ thần hôn nhân, sự phì nhiêu và sinh sản. Frigg là con gái của Fjorgvin (trong khi một số người lại giả thiết rằng Frigg là con gái của nữ thần đất Jörd (Fjörgyn), và vì thế Frigg có lẽ là em gái của Þórr). Người bầu bạn của nàng là nữ thần Eir, còn các hầu gái có Hlín, Gná, và Fulla. Người Bắc Âu gọi sao Kim là Friggjarstjarna (“Ngôi sao của Frigg”).

Frigg, Fulla, Gná, và Hlín (1882) – tranh của Carl Emil Doepler

Frigg sống trong lâu đài Fensalir (“Lâu đài nước”), nơi nữ thần được phục vụ bởi cô hầu gái Fulla – người cũng là một nữ thần Ásynja, của mình, còn người đưa tin của nàng là Gná – người thường cưỡi con ngựa Hófvarpnir qua bầu trời. Frigg thích được ở trong lâu đài của mình để xe những sợi chỉ vàng hoặc dệt những đám mây đủ màu. Một chòm sao trên bầu trời được gọi là Con quay của Frigg. Cũng có thể nàng xe những sợi chỉ số phận con người, sau đó chúng được dệt lại trong tấm vải dệt của các nữ thần Norns. Nàng là nữ thần của không trung và những đám mây. Frigg cao, xinh đẹp và có dáng vẻ trang nghiêm. Nàng thường xuất hiện trong những trang phục rất đẹp và tinh tế, cùng với những đồ trang sức đắt tiền. Frigg cũng rất khôn ngoan, thậm chí đôi khi còn vượt quá cả vị thần thông thái Óðinn nữa. Nàng nổi danh là biết hết số phận của tất cả mọi người, nhưng không bao giờ hé lộ điều gì cả.

Frigg trên ngai – khuyết danh

Giống nữ thần Hera của Hi Lạp, Frigg cũng là hoàng hậu của Ásgarðr trong vai trò vợ của Óðinn, là một trong những nữ thần cao nhất trong thần thoại Bắc Âu. Frigg được phép ngồi trên ngai vàng để nhìn xuống tất cả những gì đang diễn ra trên thế giới như Óðinn. Khi Frigg kết hôn với Óðinn, ở Ásgarðr đã có rất nhiều lễ ăn mừng vì ai ai cũng yêu quý nàng. Hàng năm vào ngày cưới của nàng đều có tổ chức lễ kỉ niệm, và nàng được gọi là nữ thần bảo trợ cho hôn nhân. Trong bữa tiệc cưới, Frigg được mọi người uống mừng cùng với ÓðinnÞórr. Nữ thần là mẹ của Baldr, vị thần mù HöðrHermóðr (người đưa tin của các vị thần). Cho dù Óðinn có ngủ với rất nhiều những nữ thần, người khổng lồ và người phàm trần khác, không giống như Hera, Frigg chẳng bao giờ ghen tuông với những chuyện tình ái thường xuyên của Óðinn.

Frigg trong bữa tiệc của Ægir (1895) – tranh của Lorenz Frølich

Dù cho trong nhiều câu chuyện kể phổ biến về thần thoại Bắc Âu, Frigg được miêu tả như người vợ chung thuỷ của Óðinn; từ nguồn nguyên bản, Frigg cũng phản bội Óðinn một vài lần. Trong Lokasenna, Loki cáo buộc Frigg cũng vô liêm sỉ và phóng đãng chẳng kém Freyja. Mỗi khi Óðinn vắng mặt, Loki khinh khỉnh chỉ ra rằng Frigg sẽ ngủ với hai người em trai của ÓðinnVili. Trong Ynglinga Saga, Snorri cũng có viết về sự sắp xếp giữa Frigg và hai người em trai của Óðinn. Trong Gesta Danorum, Saxo tuyên bố rằng nàng đã ngủ với Mitoðinn và Ullr.

Frigg (1978) – tranh minh họa của Giovanni Caselli

Frigg cũng là nữ thần của tình mẫu tử, thường được gọi là nữ thần mẹ hay than khóc, vì Höðr – đứa con trai mù của nàng, vô tình giết chết một đứa con khác. Cái chết của Baldr đã được dự đoán trước, nên Frigg đã đi khắp thế giới để yêu cầu mọi tạo vật, kể cả những vật vô tri vô giác, phải thề không được làm tổn thương đến con trai của nàng. Frigg nghĩ rằng bụi cây tầm gửi quá tầm thường, không thể làm hại con mình được nên thật không may làm sao, nàng đã không yêu cầu cây tầm gửi phải thề.

Trong lốt cải trang một bà già, Loki đã tìm ra được điểm yếu của Baldr từ miệng Frigg. Sau đó, Loki lừa Höðr ném nhành cây tầm gửi – thứ duy nhất có thể làm hại Baldr, vào anh mình.

Cho dù Baldr đã chết, Frigg vẫn quyết tâm đưa con mình ra khỏi địa ngục. Biết được rằng Hel sẽ thả Baldr cho trở về cuộc sống nếu mọi sinh vật trên thế giới chịu nhỏ nước mắt cho con trai của mình, Frigg đã yêu cầu mọi sinh vật khóc thương Baldr. Chỉ có một mụ khổng lồ tên là Þókk (hoặc Thanks) từ chối, vì thế mà Baldr vẫn phải chết. Loki bị trừng phạt vì có liên quan đến cái chết của Baldr.

Frigg hay bị nhầm lẫn với nữ thần Freyja. Người La Mã và người German biết đến nàng dưới cái tên Frija hoặc Frea, và người La Mã gọi ngày thứ sáu theo tên Frigg.

Cỗ xe của Frigg – khuyết danh

Frigg, vương hậu của Ásgarðr – khuyết danh

Frigg và Óðinn (theo Grímnismál, 1895) – tranh của Lorenz Frølich

Frigg và Óðinn trên sông Ífingr (1895) – tranh của Lorenz Frølich

Óðinn và Frigg (trong tập Vafþrúðnismál, 1895) – tranh của Lorenz Frølich