Những gì mà hiện nay chúng ta gọi là bảng chữ cái rune có vẻ như được bắt đầu từ hai nguồn khác biệt – phép thuật và học thuật. Những biểu tượng tiền rune – hällristningar, đã được tìm thấy trong rất nhiều hình khắc đá thời kì đồng thiếc, chủ yếu là ở Thuỵ Điển. Những chữ viết tượng hình xưa nhất có thể tìm thấy có niên đại khoảng năm 1300 trước Công nguyên. Một vài biểu tượng trong đó có thể dễ dàng đồng nhất với bảng chữ cái sau này, trong khi một số biểu tượng khác tượng trưng cho những ý tưởng và khái niệm đã được thu nạp vào tên của các chữ rune (mặt trời, ngựa…). Ngoài ra còn có một số phần của cơ thể người, vũ khí, sinh vật và những biến tấu của hình tròn, hình vuông và chữ thập ngoặc. Những hình vẽ đó sau được phát triển lên thành những nét chạm khắc trừu tượng hơn, bao gồm những đường thẳng và không tương đồng với một đồ vật cụ thể nào cả. Nghĩa chính xác của những con dấu này đến giờ đã bị thất truyền, cũng như mục đích ban đầu của chúng, nhưng người ta tin rằng chúng đã được dùng để bói toán hoặc bắt thăm, và vì thế có thể chắc chắn rằng điều đó đã góp phần vào chức năng phép thuật của bảng chữ cái sau này.
Về nguồn gốc của “bảng chữ cái” rune đã nổ ra một số cuộc tranh cãi. Nhiều học giả đã tranh luận để ủng hộ giả thuyết cho rằng nó được bắt nguồn từ tiếng Latin hoặc tiếng Hi Lạp, tuy thế dấu hiệu rõ ràng nhất lại chỉ ra rằng nó có lẽ có nguồn gốc từ những bộ tộc người Italic ở Bắc Italia, phía đông dãy Alps. Hai bảng chữ cái này có nhiều điều tương tự gần gũi đến mức khó phủ nhận được, đặc biệt là trong hình dạng của chữ, cũng như hướng chữ viết có thể thay đổi, và những đặc điểm chắc chắn về cấu trúc và thậm chí cả về biểu tượng nữa. Điều này cũng giải thích tại sao rất nhiều chữ rune lại tương tự với chữ cái La Mã, vì cả hệ thống chữ viết Italic và La Mã đều bắt nguồn từ bảng chữ cái Etruscan (bản thân nó lại là một nhánh của họ ngôn ngữ Tây Hi Lạp). Giả thuyết này sẽ đưa sự bắt nguồn của futhark về khoảng trước thế kỉ thứ 1, khi hệ thống chữ viết Italic bị hấp thụ và thay thế bởi hệ thống chữ viết Latin. Phép phân tích ngôn ngữ và ngữ âm chỉ về một khởi điểm còn sớm hơn thế nữa – có lẽ khoảng từ năm 200 trước Công nguyên.
Khi những dân tộc phương Bắc bắt đầu hoà nhập bảng chữ cái Italic vào hệ thống biểu tượng của chính họ, họ đã đặt cho mỗi chữ cái một cái tên có liên hệ đến mọi mặt của cuộc sống trần tục cũng như tôn giáo của mình, và vì thế đã biến đổi những chữ tượng hình đơn giản của họ thành một bảng chữ cái có phép thuật có thể được dùng làm bùa, thần chú và bói toán. Những hình chạm khắc đó được gọi là Rune, bắt nguồn từ từ “Runa” của tiếng Gothic có nghĩa là “điều bí mật”.
Chữ rune, chủ yếu là của bản mới, vẫn còn được sử dụng phổ biến cho đến tận thế kỉ 17, và ở một số nơi việc sử dụng chữ rune còn được Giáo hội phê chuẩn. Người dân thường nào cũng biết một vài câu thần chú rune đơn giản, và việc bói toán bằng rune vẫn thường được dùng đến khi người ta muốn xin lời khuyên về chuyện riêng tư cũng như chuyện chung. Nhưng giống như nhiều loại phép thuật khác, việc bói toán bằng thẻ bài rune chính thức bị cấm vào năm 1639, như một phần của kế hoạch “đuổi ma quỷ ra khỏi châu Âu” của Giáo hội.
Có lẽ thời kì đen tối nhất trong việc nghiên cứu cổ ngữ rune là sự phục hồi của những học giả Đức có liên hệ với phong trào Quốc xã những năm 20, 30 của thế kỉ 20. Sau Chiến tranh Thế giới II, chữ rune bị ghét bỏ do sự liên hệ của nó với chủ nghĩa Quốc xã, và rất ít người viết về nó cho đến tận thập kỉ 1950, 1960. Cho đến tận giữa thập kỉ 1980, với sự lan rộng của phong trào New Age và sự khôi phục những tôn giáo ngoài đạo Thiên Chúa mà chữ rune mới lấy lại được sự phổ biến của mình.