Freyja

Freyja - khuyết danh

Freyja – khuyết danh

Các tên khác: Freya, Frejya, Freyia, Frøya, Frøjya, Freia, Freja; Gefn, Hörn, Mardöll, Valfreyja, và Sýr. Trong tiếng Bắc Âu cổ, Freyja xuất phát từ một tên gọi có nghĩa là “Quý bà”/Phu nhân, cùng nguồn gốc với từ tiếng Đức hiện đại Frau. Nàng còn được biết đến dưới tước hiệu Vanadís – “dís of the Vanir” (dís là từ Bắc Âu chỉ nữ thần).

Freyja là nữ thần chiến tranh và là nữ thần của sự phì nhiêu, là một trong nữ thần cao nhất của Vanir. Freyja là con gái của Njörðr với em gái mình (thường các tài liệu không nêu tên người em gái này, một số khác giả thuyết rằng có thể người ấy tên là Ingun hoặc Nertheus) và là em gái của Freyr (một số tài liệu cho rằng hai anh em Freyr & Freyja là con của Njörðr với Skaði, nhưng phần nhiều nghiêng về giả thuyết Skaði là vợ sau của Njörðr). FreyjaFreyr còn được coi là có liên hệ tới sự phồn vinh và giàu có. Freyja sống trong cánh đồng xinh đẹp Fólkvangr (“fields of folks”), một nơi luôn có những bản tình ca, và lâu đài của nàng là Sessrúmnir. Freyja ưa thích chiến trận, và mỗi ngày nàng chia một nửa số chiến binh bị giết với Óðinn: một nửa về lâu đài của nàng, một nửa kia về Valhalla. Phụ nữ khi chết cũng về lâu đài của nàng, vì thế Freyja còn được coi là nữ thần của cái chết nhưng đây là một khía cạnh thường ít được nhắc đến ngày nay khi nói về Freyja.

Freyja và Loki tranh cãi (1895) - tranh minh họa của Lorenz Frølich

FreyjaLoki tranh cãi (1895) – tranh minh họa của Lorenz Frølich

Nàng có một người chồng là Od (Oðr) mà không hiểu làm sao nàng lại đánh mất nên nàng thường ẩn danh đi lang thang trên mặt đất tìm chồng, khóc than bằng những giọt nước mắt vàng. Nhiều người tin rằng Oðr là Óðinn. Freyja có hai con gái với Oðr là Hnoss (Nossa, Hnossa) – người con gái đẹp tới mức mà bất cứ cái gì đáng yêu và có giá trị đều được gọi là “kho báu” theo tên của nàng, và Gersemi (Gersimi). Sau khi chồng nàng biến mất, Freyja bắt đầu có rất nhiều cuộc tình với các vị thần, người phàm trần, yêu tinh và thậm chí cả người lùn nữa. Freyja thường được coi là tình nhân của Óðinn; còn trong Lokasenna (thuộc tập Poetic Edda), Loki buộc tội nàng đã ngủ với mọi vị thần ở Ásgarðr và tất cả yêu tinhÁlfheimr. Loki thậm chí còn buộc tội nàng đã ngủ với Freyr – anh trai mình, và rằng Freyja với anh trai mình đã từng là vợ chồng khi còn sống ở Vanaheimr (vùng đất của thần Vanir), giống như cha nàng với người em gái của ông.

Freya (1882) - tranh minh họa của Carl Emil Doepler

Freya (1882) – tranh minh họa của Carl Emil Doepler

Freyja là người đẹp nhất trong các nữ thần, tóc vàng và mắt xanh, nên nhiều khi người ta còn cho rằng nàng là Nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp. Người ta thờ phụng nàng ở rất nhiều nơi trên đất Thuỵ Điển và Đan Mạch, và một số nơi ở Anh (không nhiều lắm, vì ở đấy người ta có vẻ yêu thích nữ thần Frigg hơn). Frigg bảo trợ cho tình yêu hôn nhân, còn nàng bảo trợ cho những dục vọng và quyến rũ của con người, cũng như bản năng giới tính của con người. Nàng là nữ thần của những đam mê buông thả, và trong một số câu chuyện Bắc Âu cổ thì nàng còn có những người tình là người phàm trần. Những hiểu biết từ xa xưa cho thấy Freyja là một nữ thần độc lập và quyết đoán, thường dựa vào sự quyến rũ của mình để đạt được mục đích. Freyja còn là nữ thần bảo trợ của mùa màng và sự sinh sản, và là biểu tượng của sự sinh sản. Nàng yêu âm nhạc, thi ca, mùa xuân và hoa lá, và đặc biệt ưa thích yêu tinh (tiên). Theo một số tài liệu, Freyja thường bay qua các thế giới trên chiếc xe mèo kéo và giúp đỡ những lời thỉnh cầu trong tình yêu. Thần thoại Bắc Âu kết hợp nữ thần Rạng Đông với vị nữ thần Freyja xinh đẹp. Đôi khi Freyja còn bị đồng nhất với nữ thần Frigg hoặc Iðunn.

Freyja đeo Brísingamen - tranh của J. Penrose

Freyja đeo Brísingamen – tranh của J. Penrose

Tác giả khuyết danh thế kỉ 13 của “Saga of Erik the Red” đã miêu tả Freyja: “Nàng mặc một chiếc áo choàng không tay với những viên đá đính dọc theo viền. Nàng trùm đầu bằng một chiếc mũ lông mèo trắng. Tay nàng cầm một cây gậy. Tại thắt lưng của nàng là một túi bùa mê. Nàng đi giày và đeo găng tay bằng da mèo.” Cỗ xe của Freyja do những con mèo đực kéo. Cũng giống như nhiều phụ nữ thượng lưu khác, nàng thích vàng và châu báu. Tài sản quý giá nhất của nàng là chiếc vòng cổ Brísingamen – chiếc vòng mà để đối lấy nó nàng đã phải ngủ với 4 tên người lùn Brisings (tên của chúng có thể là Alfrigg, Berling, Dvalin và Grerr). Óðinn tức giận vì hành động buông thả này đến nỗi mà thần đã cử Loki đi đánh cắp Brísingamen. Heimdallr – người gác cổng của Ásgarðr, với cặp mắt tinh tường của mình, đã nhìn thấy vụ trộm. Thần đuổi theo Loki và lấy lại chiếc vòng cổ cho Freyja. Trong một phiên bản khác của câu chuyện này, Óðinn chỉ chịu trả lại chiếc vòng cổ cho Freyja với điều kiện là nàng phải gây chiến tranh trong thế giới loài người. Ngoài ra Freyja còn có chiếc áo choàng (hoặc bộ da) bằng lông chim ưng có thể biến người mặc nó thành một con chim cắt. Con vật yêu thích của nàng là lợn hoặc lợn lòi, và nàng sở hữu Hildisvíni (“battle boar”) – một con lợn lòi lông vàng, thực chất là người tình Ottar của nàng trong lốt cải trang. Đôi khi nàng cũng được gọi là Sýr (gieo hạt). Người ta cũng nói rằng đôi khi nàng đi dạo trên những vùng quê vào ban đêm, trong hình dạng một con dê cái.

Freyja - tranh của Robin Wood

Freyja – tranh của Robin Wood

Freyja là vị nữ thần bị lũ khổng lồ săn lùng nhiều nhất. Cả hai tên khổng lồ – HrímþursÞrymr đều muốn cưới nàng, nhưng đều bị Þórr giết chết. Tên khổng lồ Hrímþurs đã nói rằng sẽ xây lại bức tường bao quanh Ásgarðr nếu hắn có thể lấy Freyja làm vợ, cùng với Mặt trời và Mặt trăng. Các vị thần đã đồng ý vì nghĩ rằng không thể xây dựng lại bức tường đó trong sáu tháng. Cho dù vậy, Hrímþurs đã hầu như hoàn thành bức tường khi chỉ còn lại 3 ngày nữa, nên Loki phải đánh lừa hắn làm cho hắn không hoàn thành bức tường theo đúng thời hạn, nhờ vậy Freyja mới thoát khỏi tên khổng lồ. Còn tên khổng lồ Þrymr đã yêu cầu phải được lấy Freyja làm vợ thì mới trả lại cái búa của Þunor (Þórr).

Freyja cho Þórr và Loki mượn áo lông chim ưng (1895) - tranh minh họa của Lorenz Frølich

Freyja cho Þórr và Loki mượn áo lông chim ưng (1895) – tranh minh họa của Lorenz Frølich

Sau khi phải đến làm con tin trong nhóm thần Æsir, Freyja đã dạy họ, cả Óðinn nữa, seiðr – thường được biểu hiện trong mưu mẹo quyến rũ của một người đàn bà. Nàng cũng được coi là nữ thần phép thuật. Tính ưa thích vàng của nàng và phép thuật của nàng đã khiến nàng đôi khi bị nhầm lẫn với một nữ thần Vanir khác là Gullveig và phù thuỷ Heiðr – sự tái sinh của Gullveig. Một số người nói rằng ngày thứ sáu (Friday) được đặt theo tên nàng.