Gefjon

Các tên khác: Gefjon, Gefion, Gefiun, Gefinn, Gefjun. Gefjon là nữ thần nông nghiệp và sự phì nhiêu. Cái tên Gefjon có nghĩa là “giver” (người cho), và còn xuất hiện trong tiếng Anh cổ dưới dạng Geofon (có nghĩa là “đại dương”). Có những địa danh ở Đan Mạch được đặt theo tên nàng như Gentofte và Genvnö. Tên nàng xuất phát từ động từ “to give” (cho) và có liên hệ với những từ thường được thấy trong những nghi lễ thờ cúng Mẹ của người La Mã ở Anh và lục địa Châu Âu. Tên của Gefjon còn được cho là có gốc gefn – một trong nhiều tên gọi của nữ thần Freyja.

Gefjon có lẽ là một nữ thần đồng trinh, là nữ thần bảo trợ và người che chở cho những người con gái đồng trinh sau khi chết. Theo Gylfaginning, những người con gái đồng trinh sau khi chết đều trở thành người hầu cận của Gefjon. Tuy thế, trong Lokasenna (thuộc tập Poetic Edda), Loki buộc tội Gefjon đã ngủ với một người phàm trần để đổi lấy một chiếc vòng cổ vàng (một số tài liệu khác nói là một cái nhẫn hoặc viên ngọc), giống như Freyja. Gefjon có lẽ là bằng chứng duy nhất về một nhóm nữ thần rất hào phóng và hay ban tặng. Một số người lại cho rằng Gefjon có thể là Frigg, vì nữ thần này đôi khi cũng được biết đến dưới cái tên ấy.

Trong Prose Edda, Snorri đã liên hệ câu chuyện sau đây với sự tạo thành đảo Zealand:

Vua của Thuỵ Điển là Gylfi đã nói rằng ngài sẽ thưởng một khoảng đất cày trên vương quốc của mình rộng bằng diện tích mà bốn con bò có thể cày được trong một ngày một đêm cho một bà ăn xin vì bà đã giải trí cho ngài. Tuy nhiên người ăn xin này lại thuộc nhóm thần Æsir, tên nàng là Gefjon. Nàng đã lấy bốn con bò từ phía bắc của Jötunheimr và đưa chúng tới cày, nhưng chúng thật ra là những đứa con trai của nàng với một người khổng lồ vô danh. Lưỡi cày đã đâm xuống mạnh và sâu tới mức nó xới tung cả đất ra và những con bò tiếp tục kéo nó về hướng Tây ra biển, và chỉ dừng lại khi nghe thấy một âm thanh nào đó. Tại đó Gefjon đã ban cho vùng đất sự phì nhiêu và đặt tên cho nó là đảo Zealand (nay thuộc Đan Mạch). Còn tại nơi mà đất đã bị xới lên thì sau đó trở thành hồ Mälar ở Thuỵ Điển.

Trong Ynglinga Saga, Snorri cũng kể câu chuyện trên, thêm vào là Gefjon đã kết hôn với Skjöldr – con trai của Óðinn và là vị vua đầu tiên của Đan Mạch, sau đó sống ở Lejre (Đan Mạch), nơi nàng có một điện thờ. Skjöldr, người sáng lập ra triều đại hoàng gia Skjöldung, cùng chính là Scyld Sceafing được nhắc đến trong Beowulf, và là tổ tiên của Hrothgar. Những vị vua Thuỵ Điển được xem là hậu duệ của Gefjon. Nhìn vào thần thoại này thì ta có thể thấy rõ rằng Gefjon được kết hợp với việc cày bừa, và có một số liên hệ với biển (nàng đã tạo ra hồ Mälar), và có lẽ đã tách ra một số đường biên giới. Gefjon là người sáng lập ra triều vua ở Đan Mạch và Zealand (Seeland, Sjælland).